Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố gây ra tình trạng mụn trứng cá. Thông thường, mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, đối với nhiều người, mụn vẫn tiếp tục ngay cả trong thời kỳ hậu sản. Điều trị mụn ở giai đoạn này cần thận trọng để đảm bảo an toàn trong trường hợp cho con bú. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả và an toàn.
Mụn nội tiết sau sinh là gì ?
Mụn trứng cá là một bệnh viêm mãn tính của tuyến bã nhờn, đặc trưng bởi sự tăng tiết bã, tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes gây nên tình trạng viêm và tăng sừng hóa nang lông.
Mụn nội tiết là mụn trứng cá gây ra bởi sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Một số hormone ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến bã nhờn có liên quan đến mụn trứng cá, bao gồm androgen, estrogen, progesterone, hormone tăng trưởng, insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1), hormone giải phóng corticotropin (CRH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH) và glucocorticoid.
Nguyên nhân hình thành mụn nội tiết sau sinh
Ở phụ nữ, estrogen và progresterone là 2 hormone sinh sản chính, được tiết ra từ buồng trứng. Trong thời kỳ mang thai, nồng độ progesterone tăng cao liên tục là nguyên nhân gây ra mụn. Sau khi sinh con, mức progesterone trở lại bình thường và mụn nội tiết thường biến mất. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, phải mất nhiều thời gian hơn để nồng độ hormone trở lại bình thường, vì vậy vẫn tiếp tục tình trạng mụn trứng cá, hay còn gọi là mụn nội tiết sau sinh.
Cách trị mụn nội tiết sau sinh hiệu quả, an toàn
Những phương pháp điều trị mụn cho phụ nữ sau sinh dưới đây được đưa ra dựa trên cơ sở các đánh giá về độ an toàn được thu thập từ cơ sở dữ liệu FDA, Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), phân loại của Hale về thuốc sử dụng cho phụ nữ cho cho con bú và cơ sở dữ liệu thuốc trên phụ nữ cho con bú của thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (LactMed). Các khuyến nghị về liệu pháp điều trị mụn trứng cá sau sinh dựa trên mức độ mức độ ảnh hưởng toàn thân bao gồm liệu pháp tại chỗ, liệu pháp toàn thân và các biện pháp không truyền thống.
- Liệu pháp tại chỗ là lựa chọn đầu tay để điều trị mụn cho phụ nữ cho con bú. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da gồm acid azelaic, benzoyl peroxide, natri sulfacetamide, các thuốc kháng sinh như erythromycin, clindamycin, metronidazole, acid salicylic và acid glycolic. Retinoid tại chỗ cũng được coi là nguy cơ thấp và có thể cân nhắc sử dụng trên phụ nữ cho con bú.
- Liệu pháp toàn thân là lựa chọn hàng thứ hai bao gồm sử dụng các thuốc uống để điều trị mụn kháng sinh macrolide (erythromycin và azithromycin), cephalexin, corticosteroid đường uống và phức hợp kẽm.
- Nên tránh điều trị bằng liệu pháp nội tiết tố, kháng sinh uống có nguy cơ cao cho bé bú mẹ bao gồm spironolactone, thuốc ngừa thai, tetracycline, co-trimoxazole, fluoroquinolone. Trong trường hợp điều trị mụn sau sinh trên phụ nữ không cho con bú, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các thuốc này để điều trị mụn như bình thường.
Một số lưu ý khi trị mụn trên phụ nữ sau sinh
Khi điều trị mụn trứng cá trong thời kỳ cho con bú, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để xem xét mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của các phương pháp điều trị.
Ngoài việc sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu, phụ nữ sau sinh cần có một lối sống lành mạnh với chế độ ăn đầy đủ, lành mạnh và chế độ sinh hoạt hợp lý.
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Tăng cường rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn.
- Uống đủ nước.
- Rửa mặt bằng xà phòng dịu nhẹ hai lần mỗi ngày.
- Tẩy tế bào da chết một hoặc hai lần mỗi tuần.
- Làm sạch da mặt và tẩy trang trước khi đi ngủ.
- Quản lí stress.
Mụn nội tiết sau sinh cần được quan tâm và có phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn. Nên ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc như laser, ánh sáng, peel da để hạn chế các tác dụng không mong muốn cũng như tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị. Trong điều trị nội khoa, thuốc trị mụn ngoài da nên được ưu tiên vì mức độ phơi nhiễm toàn thân thấp, tuy nhiên không nên bôi một lượng lớn thuốc lên vùng da bị viêm trong thời gian dài và trên diện tích bề mặt cơ thể lớn, vì điều này có thể làm tăng sự hấp thu toàn thân.
Xem thêm: trị mụn nội tiết
Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:
- Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hotline: 07 0838 0878.Nguồn: https://doctoracnes.com/cach-tri-mun-noi-tiet-sau-sinh-hieu-qua-an-toan/